19h30 mới mở màn, nhưng từ 19h khán giả, đủ cả nam phụ lão ấu đã vòng trong vòng ngoài ngóng chờ và không thiếu những du khách Tây tò mò đợi coi những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở một góc phố trên đường Trần Phú (Nha Trang, Khánh Hòa). Đã thành thông lệ ở nơi đây từ hơn một năm nay, cứ mỗi tối cuối tuần là nghệ thuật truyền thống lại lên hè. PV báo Lao Động đã hỏi chuyện ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa.
Khi cây nhị kéo bản “Cachiusa”
Ý tưởng đưa nghệ thuật truyền thống ra đường phố nảy mầm từ đâu, thưa ông?
- Nó bắt đầu từ ý tưởng của một vị lãnh đạo tỉnh. Khi ông kể với tôi là ông đi các nước, thấy hè phố bên họ sôi động với các tụ điểm diễn từng tốp, từng tốp, sao mình không làm.
Chúng tôi mày mò làm thì gặp nhiều phản ứng, với hai luồng tư tưởng quyết liệt: một là khen đổi mới, đột phá, số còn lại coi làm vậy là nhếch nhác, bôi bác, xuất phát từ quan niệm đã tồn tại trong nếp nghĩ từ bao lâu nay: nghệ thuật truyền thống phải diễn trong rạp vì sân khấu là thánh đường.
Nhưng thánh đường đang lạnh như tiền, khán giả không ai tới. Và chúng tôi cứ mạnh dạn thử diễn. Hiệu quả đầu tiên là khán giả gần gũi hơn với nghệ thuật truyền thống. Nhiều khi người xem chỉ cách nghệ sĩ một mét, cảm giác không có sự ngăn cách.
Khán giả có thể xem hết, hay xem dở chừng rồi đi cũng được, nhưng rất vui là khán giả luôn ngồi đến phút cuối cùng. Ban đầu thì nghệ sĩ cũng lo lắng, nhưng khi thấy khán giả say sưa đón nhận thì họ đã diễn nghiêm túc và hào hứng hơn…
Nhưng làm sao để tránh đơn điệu, tạo sự mới lạ cho chương trình?
- Chúng tôi phân ra tuần 2 buổi, tối thứ bảy là dân ca, chủ nhật là tuồng. Mỗi loại lại có 2 chương trình khác nhau, tổng cộng là 4 chương trình, không pha tạp. Tuồng là tuồng. Dân ca là dân ca. Giữa một thành phố du lịch, du khách có thể nghe những làn điệu dân ca và trực tiếp tham gia một số trò chơi dân gian ngay trên đường phố quả là thú vị.
Những đêm diễn tuồng lại còn bắt mắt hơn nhờ phục trang lộng lẫy hơn, hóa trang đẹp hơn, vũ điệu phong phú hơn, với một số trích đoạn mẫu kinh điển...
Tôi đã chứng kiến khán giả ồ lên sung sướng, nhất là mấy cô cậu Nga, khi nghệ sĩ đàn tranh bất ngờ chơi bài “Triệu đóa hồng” nổi tiếng của xứ Bạch Dương?
- Tôi rất thích nghe bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”. Một anh bạn tôi bảo ở Mỹ mà được nghe bài dân ca “Trống cơm” thấy sướng lắm.
Tôi nghĩ tại sao không hòa tấu các bài hát nước ngoài bằng nhạc cụ dân tộc, và y như rằng hiệu quả liền. Lúc đầu tập, anh em định lấy trên mạng, nhưng tôi không đồng ý, mời nhạc sĩ phối lại.
Du khách Nga nghe cái nhị vừa kéo bài “Người ơi người ở” rồi bất ngờ chuyển qua “Cachiusa”, họ sướng lắm. Cũng vì thấy đoàn diễn hiệu quả mà tỉnh ngày càng quan tâm hơn. Trước tỉnh cho mỗi đêm diễn 3,5 triệu thì giờ cho 6 triệu. Có câu nói: “Nếu anh tiết kiệm tiền đầu tư cho văn hóa sẽ có nguy cơ phải tăng tiền để xây nhà tù”...
2 năm chưa xong… hàng ghế
Và đất Khánh Hòa vẫn tạo nhiều cơ hội cho nghệ thuật truyền thống?
- Đất Nam Trung Bộ này là đất bài chòi, văn hóa vùng miền mà. Còn “ông” tuồng thì ông ấy khỏe vì 2 lý do: Khánh Hòa là vùng đất ven biển, kinh tế biển gắn liền với lễ hội, tuồng lớn lên từ lễ hội và trở về với lễ hội.
Chỉ cần đầu tư kinh phí, trau chuốt những pho tuồng cổ, đưa anh em diễn viên trẻ vào tạo sức thanh xuân cho vở… Thứ hai, đây là thành phố du lịch, khách thích xem cái gì lạ, tuồng có nhiều trò diễn, khách tham gia được.
Không lẽ mọi việc đều thuận lợi cả, thưa ông?
- Còn nhiều khó khăn chứ! Về khách quan, cơ chế thị trường chao đảo, khán giả vắng dần. Chủ quan thì thiếu lực lượng kế cận. Đào tạo có nhiều vấn đề bất cập. Muốn tốt phải từ đầu vào, mà nhà hát thì không có chức năng đào tạo.
Nguồn cung là từ trường CĐ nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, mà đầu vào ở đó là của các khoa khác dồn lại, học sinh buồn thì học chơi nghệ thuật, khi ra hát bài chòi cứng nhắc. Nhà hát không nhận thì bảo đào tạo sao không nhận, mà nhận thì phải có quyền tuyển chọn chứ!
Nhà hát cũng đang cải tạo, 2 năm nay rồi có mỗi hàng ghế mà chưa xong, báo chí đăng rồi, Tỉnh la rồi mà mọi việc vẫn dở dang. Trước đây, số buổi diễn hằng năm của nhà hát chỉ là 20-30 tối, thường vào giáp tết. Hiện đang có một dự án đợi phê duyệt. Dự án này do một doanh nghiệp du lịch ở Bình Thuận đứng ra nhận bao tiêu nghệ thuật truyền thống ở đây.
Hiện họ đang cho khảo sát. Nếu mọi việc trôi chảy, sau này, nhà hát sẽ là điểm diễn nghệ thuật truyền thống mà du khách đến đây không thể bỏ qua, ít nhất 1 tuần 3 buổi đỏ đèn. Phía nhà hát cũng đang tính toán một mô hình mới để tránh cho khán giả xem thụ động, có thể tham gia các trò chơi từ ngoài cổng, rồi vào rạp xem hóa trang, phục trang, trước khi xem biểu diễn.
Để nghệ thuật truyền thống có thể sống được trong cơ chế thị trường, theo ông, điều gì quan trọng nhất?
- Theo khảo sát sơ bộ của những người thực hiện dự án nói trên thì các đoàn tuồng ở ta nói chung không năng động, bao cấp nặng nề quá. Ngoài ra, việc quảng bá rất kém, khán giả muốn xem không biết xem ở đâu…
- Xin cảm ơn ông.